Tin mới nhất

Máy nông nghiệp Yanmar đồng hành cùng Festival quốc tế ngành hàng Lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023

15/12/2023
Yanmar Việt Nam

Thành phố Hậu Giang, ngày 15 tháng 12 năm 2023 - Trong khuôn khổ Festival Quốc tế Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam, YANMAR VIỆT NAM đã chính thức tham gia và góp mặt với sứ mệnh quan trọng là mang đến những giải pháp đột phá, đồng hành cùng cộng đồng nông dân và đối tác quốc tế.
Với cam kết đem lại giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp, YANMAR VIỆT NAM đã trình diễn những công nghệ tiên tiến, hướng dẫn và chia sẻ kiến thức về cách tối ưu hóa sản xuất lúa gạo. Những giải pháp này không chỉ giúp gia tăng năng suất mà còn đóng góp tích cực vào việc giảm chi phí nhân công và giảm phát thải trong quá trình sản xuất.

Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam 2023

Festival được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới trở thành quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng, giảm phát thải, phát triển theo hướng xanh và bền vững gắn với Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Đặc biệt, tại Festival lần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ chính thức công bố phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Từ đó truyền đi thông điệp, cam kết của Chính phủ Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính được Thủ tướng công bố tại Hội nghị COP26.
Quá trình triển khai Đề án, sẽ thực hiện thí điểm các chính sách mới như chi trả tín chỉ các-bon dựa trên kết quả; tập trung vào sản xuất phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo; khai thác đa giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo…

Hoạt động trình diễn, trưng bày máy móc nông nghiệp công nghệ cao

Các doanh nghiệp tham gia hoạt động trình diễn tại ruộng trong chương trình Festival ngành hàng lúa gạo 2023. Trong đó có đại diện Yanmar Việt Nam, TGĐ Nguyễn Xuân Hoàng (áo vàng, ngoài cùng bên trái).
Cũng trong buổi lễ, Ban tổ chức Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023 tổ chức các hoạt động trình diễn công nghệ cơ giới hóa gieo sạ và mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm tại ấp 4, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy.
Quang cảnh Hội thảo khai mạc với sự tham gia của các quan khách quốc tế, các đại biểu các cơ quan ban ngành, các đối tác và nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hoạt động trình diễn công nghệ cơ giới hóa gieo sạ được thực hiện trên cánh đồng mẫu, trong hình là Dàn sạ cụm ST10V được gắn trên máy cấy bón phân Yanmar YR70D.
Các hàng sạ cụm thẳng tắp sau khi sạ bằng máy thông qua hệ thống tự động lái, với sự giám sát của kỹ thuật viên tại Viện nghiên cứu Yanmar

Dàn sạ cụm ST10V – Giải pháp thay thế sạ lan, sạ hàng truyền thống

Dàn sạ cụm ST10V có nhiều lợi thế hơn so với sạ hàng, nhờ hạt giống được trải đều trên bề mặt ruộng chứ không tập trung trên một hàng. Vì vậy, lượng giống tiết kiệm hơn và cây lúa cũng không cạnh tranh với nhau trên cùng một hàng. Ngoài ra, so với máy cấy, sạ cụm dễ ứng dụng rộng rãi hơn vì máy móc nhẹ và linh hoạt. Điều đó có nghĩa là sạ cụm chỉ cần ngâm ủ giống như bình thường, không cần phải làm mạ, giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí đầu tư ban đầu. Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm của các nhà nông nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực trồng trọt, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo Việt Nam.

Theo thầy Trương Chí Thành, Giám đốc Viện nghiên cứu Yanmar tại Việt Nam: “Máy sạ cụm là một giải pháp rất tốt trong việc sản xuất lúa gạo, giúp giảm chi phí sản xuất. Với công nghệ sạ cụm, chúng ta có được tất cả ưu điểm của phương pháp cấy. Tuy nhiên, với sạ cụm thì tiết kiệm chi phí rất nhiều, không cần phải chuẩn bị mạ cấy, giảm được chi phí đầu tư. Với dàn sạ cụm, lúa lên từng cụm, giảm được lượng phân bón, khi lúa lớn lên sẽ phát triển thành bụi, cây lúa sẽ đứng vững thành ra gặp mưa gió sẽ giảm đỗ ngã nếu so sánh với phương pháp sạ lan truyền thống”.
Ngoài phần sạ cụm, máy còn tích hợp thêm bón vùi phân, tức là trong lúc gieo, phân sẽ được bón vào trong đất và chôn trong đất luôn. Qua thời gian thử nghiệm, phần bón vùi phân giúp tiết kiệm được 30% lượng phân bón, lượng lúa giống giảm còn 60kg/héc-ta, so với sạ tay, sạ lan từ 120kg lúa trở lên. Năng suất máy mỗi ngày có thể sạ được 7-8 héc-ta/ngày”.

Ngoài khu vực trình diễn, tại khu trưng bày, Yanmar Việt Nam cũng mang đến các loại máy gặt đập liên hợp thế hệ mới, máy kéo tự động lái kết hợp với điều chỉnh độ sâu xới, máy cấy có bón phân, thu hút được nhiều khách hàng và đối tác đến tham quan và làm việc.

  • Lưu ý: Thông tin trong Tin Mới Nhất chỉ có giá trị tại thời điểm công bố và có thể khác biệt với thông tin mới nhất đang có.

Archive