Ngày 5 tháng 7 năm 2017

Chúng ta có thể phát triển đến đâu? Một báo cáo từ Hokkaido về tương lai của nghiên cứu rô-bốt nông nghiệp.

Với 65% số người lao động trên 65 tuổi và độ tuổi trung bình là 66,8, nông nghiệp Nhật Bản đang tồn tại những nhu cầu bức thiết. Lực lượng lao động, phần lớn là nông dân lành nghề nhưng ngày càng lớn tuổi, phải đối mặt với thách thức thiếu nhân lực. Để giải quyết vấn đề này, nghiên cứu "rô-bốt nông nghiệp" đang được tiến hành trên toàn quốc gia.

Bộ Nông Nghiệp, Lâm Nghiệp và Ngư Nghiệp đã đặt ra các mục tiêu đạt được thương mại hóa hệ thống lái tự động trên đất nông nghiệp vào năm 2018 và hệ thống giám sát từ xa tự động vào năm 2020. Tương lai đang đến nhanh chóng. Vậy thì, việc nghiên cứu rô-bốt nông nghiệp đã tiến triển được bao xa?

Giáo sư Shin Noguchi của Học Viện Nghiên Cứu Nông Nghiệp, Khoa Sau Đại Học thuộcĐại Học Hokkaido, đưa chúng tôi tham quan địa điểm kiểm tra xác minh. Chúng tôi đã hỏi Giáo Sư Noguchi quan điểm của ông về khả năng của rô-bốt học đối với việc thúc đẩy tương lai của nền nông nghiệp.

Shin Noguchi
Giáo sư Noguchi sinh năm 1961 ở thành phố Mikasa, Hokkaido. Ông là Giáo Sư ở Học Viện Nghiên Cứu Nông Nghiệp thuộc Khoa Sau Đại Học của Đại Học Hokkaido, chuyên về Công Nghệ Thông Tin Nông Nghiệp và Kỹ Thuật Rô-bốt Nông Nghiệp. Ông cũng là Giám Đốc của Chương Trình Thúc Đẩy Cải Tiến Chiến Lược Liên Ngành (SIP), tên là "Công Nghệ Sáng Tạo Liên Ngành Nông – Lâm – Ngư Nghiệp Thế Hệ Tiếp Theo", và còn là Thành Viên Cộng Tác của Ủy Ban Khoa Học Nhật Bản, Chủ Tịch Hội Đồng của Hiệp Hội Kỹ Sư và Nhà Khoa Học Nông Nghiệp, Sinh Học và Môi Trường Nhật Bản.

Xem tương lai của rô-bốt nông nghiệp tại Đại Học Hokkaido!

Khoảng một phần ba sân trường rộng lớn của Đại Học Hokkaido là hai trang trại. Nhân dịp này, chúng tôi đã ghé thăm "Trang trại số 1", có diện tích khoảng 35 ha. Noguchi cho chúng tôi xem ba loại "công nghệ rô-bốt tự hành cho nông nghiệp" mà phòng thí nghiệm nghiên cứu của Noguchi đang xúc tiến. Chúng tôi sẽ bắt đầu bằng trình diễn của "Đa rô-bốt (rô-bốt phối hợp)."

Trang trại lớn hơn nhờ máy kéo nhỏ hơn
"Máy Kéo Rô-bốt Phối Hợp" đầu tiên trên thế giới

Bốn rô-bốt máy kéo đang chờ sẵn trên cánh đồng. Người vận hành viên là một sinh viên cao học, tay cầm máy tính bảng. Khi người vận hành nhấn nút Bắt đầu trên màn hình, lần lượt từng máy kéo bắt đầu chuyển động. Không lâu sau, bốn máy kéo bắt đầu cày cánh đồng trong khi duy trì khoảng cách đồng đều. Tất nhiên là tất cả các máy kéo rô-bốt đều tự hành. Được trang bị máy thu GPS có độ chính xác cao, máy kéo di chuyển trong khi thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, được lập trình sẵn một cách chính xác trong vòng 5 cm. Nhiều thiết bị thực hiện liền mạch các quy trình làm việc kết hợp nhờ "phối hợp" nắm được tiến trình và khoảng cách với các thiết bị khác.

Theo cách này, chúng là đại diện cho công nghệ máy kéo rô-bốt tự hành đầu tiên của thế giới được kết hợp theo một đội hình phối hợp. Ngoài ra, khi được lập trình vận hành tự động, mỗi rô-bốt được trang bị hệ thống liên lạc phối hợp. Trên lý thuyết, bạn có thể phối hợp các thiết bị bao nhiêu cũng được.

Mặc dù không có ai lái máy kéo trong buổi trình diễn hôm nay, nhưng thông thường, người vận hành sẽ lái một trong các thiết bị, giám sát công việc của từng máy kéo và nếu cần, họ sẽ vận hành máy kéo. Kỹ thuật khó khăn nhất là làm cho các thiết bị rẽ mà không va chạm với nhau. Ở giai đoạn hiện tại, nếu xoay liền mạch được xác định là khó khăn, thì chúng sẽ phải dừng lại và xoay lần lượt. Điều này dẫn tới thời gian lãng phí. Trên thực tế, một trong các khía cạnh hiện tại cần tập trung là giảm thời gian lãng phí này.

Hãy đi và trở về tự động!
"Hướng dẫn tự động" mới nhất cũng mở ra tiềm năng lớn cho công việc ban đêm

Lưu ý: Phát lại ở tốc độ nhanh gấp đôi

Tiếp theo, chúng tôi được xem trình diễn máy kéo rô-bốt được lập trình để làm việc tự động và độc lập từ nhà kho nông nghiệp ra cánh đồng. Mặc dù rô-bốt nông nghiệp được tối ưu hóa cho công việc đồng áng ở giai đoạn thương mại hóa, vì nghiên cứu này bắt nguồn từ ý tưởng tiết kiệm sức lao động, nhưng còn một mục tiêu nữa là hiểu rõ về kỹ thuật tự động bên ngoài cánh đồng. Để đạt được điều này, vẫn còn một số vấn đề phi kỹ thuật. Tuy nhiên, như bạn có thể thấy, bản thân công nghệ này đã khá chính xác!

Thiết bị ra cánh đồng, làm việc và quay lại. Tới thời điểm này, trên thế giới hiện chưa có nhà sản xuất nào bán máy kéo rô-bốt có thể di chuyển độc lập, tự động. Vì các thiết bị này hữu ích trong mùa vụ nông nghiệp khi cần làm việc vào ban đêm nên có nhiều nông dân quan tâm. Bên cạnh khả năng tự động trên cánh đồng, trong khi khả năng phối hợp đang được phát triển, chúng tôi cũng nhắm đến khả năng tự động di chuyển giữa các cánh đồng. Có thể nói rằng đây cũng là một dạng tương lai của ngành nông nghiệp.

Được trang bị cảm biến phát hiện chướng ngại vật phía trước/phía sau/bên trái/bên phải. Việc lắp đặt các hệ thống an toàn, như: phát âm cảnh báo, giảm tốc độ và dừng nếu phát hiện chướng ngại vật trong khoảng cách quy định, đã được tiến hành. Tuy nhiên, để đưa những điều này vào sử dụng thực tế thì vẫn còn nhiều rào cản, chẳng hạn như vượt qua các đoạn đường nông trại ngoằn ngoèo và khắc phục các vấn đề với luật giao thông, v.v.

"Máy bay không người lái" giúp chuyển đổi các điều kiện phát triển thành dữ liệu
Cải thiện năng suất nông nghiệp từ trên cao

Máy bay không người lái giờ đây đã trở nên vô cùng quen thuộc. Việc đưa thiết bị này vào ngành nông nghiệp không phải là ngoại lệ. Ngoài việc sử dụng chúng để phun thuốc trừ sâu, công việc trước đây do máy bay trực thăng nông nghiệp thực hiện, chúng tôi tập trung chú ý vào việc sử dụng chúng để lấy dữ liệu hình ảnh trên không. Ở phòng nghiên cứu của Noguchi, camera và các thành phần khảo sát được lắp đặt trên máy bay không người lái. Tại đây, các nhà nghiên cứu làm việc để thu thập dữ liệu về hình ảnh và độ cao, đồng thời chuyển đổi dữ liệu này thành dạng 3D để xác định các điều kiện phát triển của cây trồng. Bay liệng ở độ cao hơn 100 mét, máy bay không người lái di chuyển qua lại phía trên cánh đồng theo đường bay rất chính xác.

Máy bay không người lái bay hoạt động hoàn toàn tự động với tốc độ bay, độ cao và đường bay được lập trình sẵn. Điều khiển thủ công máy bay không người lái sẽ làm chúng không ổn định. Tất nhiên là thiết bị này phụ thuộc vào các điều kiện bay và chịu sự tác động của gió. Tuy nhiên, khả năng duy trì đường bay đã lập trình với độ chính xác cao mang lại lợi thế rõ ràng so với thao tác thủ công.

Với hiện trạng các nông dân lành nghề đang già đi và dần qua đời, các vấn đề chuyển đổi sang nền nông nghiệp quy mô lớn hơn và giám sát các khu vực rộng hơn có thể được giải quyết bằng công nghệ máy bay không người lái.

"Tàu Điều Khiển Phun Thuốc Trừ Sâu Tự Động" giúp phun thuốc trừ sâu tự động và chính xác
Cũng phù hợp với các cánh đồng lúa quy mô lớn

Trên mặt đất ,trên bầu trời, giờ là đến trên mặt nước. Tại phòng thí nghiệm Noguchi, công việc đang được tiến hành để tự động hóa các thuyền điều khiển bằng sóng vô tuyến để phun thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ. Các tuyến đường lập trình sẵn được cài đặt trên các thuyền điều khiển bằng sóng vô tuyến, đánh lái thông thường bằng tay này. Một lần nữa, nghiên cứu này nhắm đến việc tiết kiệm sức lao động bằng cách chuyển công việc cho rô-bốt. Mặc dù nghiên cứu này mới chỉ bắt đầu, nhưng có vẻ nhu cầu ứng dụng sẽ xuất hiện trong tương lai.

Mục đích sử dụng chính của các thuyền điều khiển bằng sóng vô tuyến là ở các cánh đồng lúa lớn, còn hiện tại, chúng được sử dụng để kiểm soát việc phun thuốc trừ sâu. Để tránh trục trặc, như đâm vào đê bê tông, v.v..., người vận hành phải ngồi trên thuyền để đánh lái.

Do đó, mặc dù thuyền có thể đi nhanh hơn nhưng phải di chuyển theo tốc độ của con người. Nếu thuyền có thể điều hướng tự động và độc lập, tốc độ của thuyền có thể được phát huy tối đa. Do đó, điều này giúp nông dân thực hiện các nhiệm vụ khác như cắt cỏ, v.v..., trong khi theo dõi thuyền từ đê. Độc lập và tự động giúp phát huy hết khả năng của công nghệ, dù vẫn cần có sự phối hợp nhất định của con người.

Công nghệ đã tiến xa đến đâu? Rô-bốt nông nghiệp "hiện tại"

Rô-bốt nông nghiệp cho mặt đất/trên không/dưới nước. Mặc dù các công trình này vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu, nhưng tác động của rô-bốt nông nghiệp trong tương lai là rất rõ ràng. Đã 25 năm kể từ khi Giáo Sư Noguchi bắt đầu nghiên cứu rô-bốt nông nghiệp. Hiện nay, việc nghiên cứu rô-bốt nông nghiệp chính xác đã tiến triển đến đâu? Để làm rõ tình hình hiện tại, chúng tôi đã hỏi Giáo Sư Noguchi về dự báo tương lai của ông.

– Xin được hỏi lại một câu mà trước đây chúng tôi đã đặt ra cho ông: quá trình nghiên cứu rô-bốt nông nghiệp đã tiến triển đến đâu so với viễn cảnh lý tưởng?

Hiện tại, rô-bốt nông nghiệp của chúng tôi vẫn chỉ có thể thực hiện các nhiệm vụ đơn giản. Do đó, bước tiếp theo là sử dụng AI để tự biến đổi rô-bốt nông nghiệp thành rô-bốt thông minh. Lấy ví dụ, các hệ thống giúp phun thuốc trừ sâu theo điểm và thụ tinh tối ưu, sử dụng máy bay không người lái được minh họa ở đây để diễn giải dữ liệu về phát triển cây trồng. Những công việc này có thể được thực hiện một cách thông minh qua IoT (Internet kết nối vạn vật) nhờ kết hợp thêm dữ liệu do các rô-bốt này thu thập với dữ liệu thời tiết do các vệ tinh quan sát trái đất thu được, v.v. Cuối cùng, kiến thức chuyên môn do người nông dân tích lũy sẽ được chuyển cho rô-bốt. Tôi cho rằng đây là một bức tranh về tương lai.

– Đúng vậy. Rô-bốt sẽ trở nên thông minh hơn. Các hoạt động nghiên cứu và phát triển rô-bốt thông minh đang được tiến hành?

Tất nhiên. Mối liên hệ giữa IoT sử dụng công nghệ rô-bốt và dữ liệu lớn là rất mạnh mẽ. Khi rô-bốt thu thập thông tin, chúng có thể phát triển trong quá trình thực hiện công việc dựa vào dữ liệu tích lũy. Lý thuyết là vậy, nhưng vì mỗi năm chỉ có thể thực hiện một tới hai nhiệm vụ đồng áng, nên sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể chuyển đổi tất cả bí quyết đó thành dữ liệu lớn. Để có thể ứng dụng AI vào thực tế trong thời gian ngắn, cần phải kiểm soát các nhiệm vụ tối ưu bằng cách chuyển đổi thông tin được cô đọng đáng kể thành kiến thức ở dạng mã.

Ngoài ra, việc đưa nhiều chức năng vào rô-bốt nông nghiệp là một thử thách nữa. Một ý tưởng khác là thêm khả năng thu hoạch và vận chuyển vật nặng vào chức năng ban đầu của máy kéo dùng để cày xới, trồng trọt và gieo hạt. Sử dụng máy kéo rô-bốt hiện tại làm nền tảng, chúng tôi cũng có thể biến các bộ phận gá lắp liên kết bằng dữ liệu thành dạng rô-bốt, để biến chúng thành những cánh tay nhằm bổ sung thêm tính linh hoạt thông minh. Chẳng hạn, AI sử dụng công nghệ giống như máy bay không người lái nên cũng thực hiện các nhiệm vụ hiệu quả trong khi sàng lọc, vì tình trạng cây trồng có thể được xác định bằng hình ảnh.

– Rô-bốt nông nghiệp sẽ trở nên thông minh hơn, tự thu thập dữ liệu cây trồng nông nghiệp và thực hiện các nhiệm vụ trong khi diễn giải dữ liệu. Nông nghiệp sẽ thay đổi như thế nào khi việc làm nông nghiệp thông minh trở nên thông dụng trong tương lai?

Khi công nghệ cảm nhận và phân tích dữ liệu tiến bộ, máy móc có thể xác định chính xác sự khác biệt giữa các tình trạng trồng trọt trên cánh đồng và phát hiện các dấu hiệu sâu bệnh mà mắt thường không thấy được. Vì vậy, năng suất theo đầu người và sản lượng trên mỗi đơn vị diện tích sẽ tăng lên. Đồng thời, chúng ta sẽ có thể tiết kiệm nguyên liệu đầu vào, như phân bón, và giúp cho việc làm nông trở nên hiệu quả hơn. Bằng cách giảm bớt tình trạng thiếu hụt lao động và kế thừa sự hiểu biết của nông dân lành nghề thông qua dữ liệu, công nghệ rô-bốt sẽ đóng góp đáng kể vào việc tạo ra nền nông nghiệp bền vững, cũng như ngăn chặn tình trạng suy giảm tỷ lệ tự cung tự cấp.

Hiện tại, chúng tôi đang xem xét tạo ra các cánh đồng thực hiện thử nghiệm xác minh nông nghiệp tự động bằng cách hợp tác với các cộng đồng tự quản ở Hokkaido. Ở nơi có không gian kín, chúng tôi có thể thoải mái thực hiện các thử nghiệm xác minh về di chuyển giữa các cánh đồng và giám sát rô-bốt từ xa. Tốc độ phát triển sẽ nhanh hơn qua việc liên kết với các ngành khác, như nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp chắc chắn là phải có, rồi nhà sản xuất phương tiện, v.v, và bằng cách tiến hành càng nhiều thử nghiệm càng tốt trong các điều kiện không hạn chế.

Đối với những người như chúng tôi hiện đang tham gia vào nghiên cứu này ở Nhật Bản, chúng tôi cũng xem đây là một cơ hội rất quý báu. Xu hướng của nông dân là nhắm đến các trang trại lớn hơn khi số lao động nông nghiệp ở tất cả các nước đang giảm. Tuy nhiên, nếu chúng tôi cố gắng tăng kích thước máy kéo, thì nghề nông sẽ trở nên cực kỳ tốn kém, vì nông dân phải thay thế tất cả máy móc làm việc của họ. Do các vấn đề về an toàn, các máy kéo lớn khó chuyển đổi thành vận hành tự động. Một vấn đề nữa là nền đất sẽ không thể chịu nổi các máy kéo quá lớn. Vậy nên, lựa chọn thực tế là chuyển đổi máy kéo nhỏ thành dạng vận hành tự động bằng công nghệ di chuyển phối hợp. Trong tương lai, cũng có thể có sự chuyển dịch đáng kể sang một mô hình kinh doanh nông nghiệp quy mô lớn ở nước ngoài. Điều này cho phép công nghệ rô-bốt nhỏ của Nhật Bản bao phủ thị trường toàn cầu.

Làm việc tự động có giám sát từ xa, phối hợp công việc bằng nhiều máy kéo rô-bốt và tối ưu hóa công việc bằng rô-bốt thông minh... Rô-bốt nông nghiệp mà chúng tôi thấy ở Đại Học Hokkaido chắc chắn mang lại cảm giác rằng thời đại rô-bốt làm nông nghiệp sẽ sớm đến với chúng ta. Chúng tôi cũng rất háo hức được nghe triển vọng cho tương lai.

Trước hiện trạng khó khăn vì thiếu hụt lao động và ngày càng ít người trẻ chịu làm nông, liệu rô-bốt nông nghiệp có xứng đáng được coi là "Vị Cứu Tinh" nếu có thể vực dậy nền nông nghiệp Nhật Bản và nâng cao khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế trong một ngành đang đối mặt với những thách thức lớn?

Bài viết có liên quan

Rô-bốt sẽ là Vị Cứu Tinh của chúng ta? Công nghệ làm thay đổi tương lai của nông nghiệp