Ngày 22 tháng 6 năm 2017

Rô-bốt sẽ là Vị Cứu Tinh của chúng ta? Công nghệ làm thay đổi tương lai của nông nghiệp

Khái niệm rô-bốt mà chúng ta từng chỉ thấy trong phim hoạt hình và phim SF giờ đây ngày càng trở nên quen thuộc hơn trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Vì công cuộc nghiên cứu rô-bốt đã có những bước tiến xa trong các lĩnh vực quen thuộc với chúng ta, như ô tô và điện tử dân dụng, nên chúng ta có nhiều cơ hội tiếp xúc với rô-bốt hơn trước đây. Theo NEDO (Tổ Chức Phát Triển Công Nghiệp và Năng Lượng Mới), quy mô của thị trường rô-bốt ở Nhật Bản được kỳ vọng sẽ mở rộng đáng kể, từ 1,6 nghìn tỷ Yên Nhật năm 2015 tới 2,9 nghìn tỷ Yên Nhật năm 2020 và sẽ đạt 9,7 nghìn tỷ Yên Nhật năm 2035.

Dựa trên nền tảng mở rộng nhanh chóng này, người ta kỳ vọng nhiều vấn đề xã hội sẽ được giải quyết bằng rô-bốt, chưa kể đến sự cải tiến công nghệ. Thay đổi dân số, thiếu thực phẩm do thay đổi khí hậu, thiếu lao động, v.v là các khía cạnh trọng tâm phổ biến trên toàn thế giới. Liên quan đến tình trạng giảm tỷ lệ sinh và dân số già ở Nhật Bản, ngành nông nghiệp mà Yanmar có mối liên hệ mật thiết cũng gặp những thử thách tương tự.

Rô-bốt thực sự có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào? Lần này, chúng tôi sẽ xem cận cảnh những con rô-bốt dùng trong nông nghiệp. Chúng tôi đã trao đổi với Giáo Sư Shin Noguchi của Học Viện Nghiên Cứu Nông Nghiệp, Khoa Sau Đại Học của Đại Học Hokkaido. Trong hai buổi phỏng vấn này, chúng tôi sẽ mang đến cho bạn nhiều thông tin liên quan đến nghiên cứu về rô-bốt nông nghiệp trước đây và hiện tại, cũng như những tiềm năng trong tương lai.

Shin Noguchi
Giáo sư Noguchi sinh năm 1961 ở thành phố Mikasa, Hokkaido. Ông là Giáo Sư ở Học Viện Nghiên Cứu Nông Nghiệp thuộc Khoa Sau Đại Học của Đại Học Hokkaido, chuyên về Công Nghệ Thông Tin Nông Nghiệp và Kỹ Thuật Rô-bốt Nông Nghiệp. Ông cũng là Giám Đốc của Chương Trình Thúc Đẩy Cải Tiến Chiến Lược Liên Ngành (SIP), tên là "Công Nghệ Sáng Tạo Liên Ngành Nông – Lâm – Ngư Nghiệp Thế Hệ Tiếp Theo", và còn là Thành Viên Cộng Tác của Ủy Ban Khoa Học Nhật Bản, Chủ Tịch Hội Đồng của Hiệp Hội Kỹ Sư và Nhà Khoa Học Nông Nghiệp, Sinh Học và Môi Trường Nhật Bản.

Nguyên mẫu số 1: Nguyên mẫu tự lắp ráp được chế tạo bằng phế liệu thu thập được, từ lốp hơi cho đến động cơ.
Khởi đầu tự nhiên của một rô-bốt nông nghiệp

Giáo sư Noguchi sinh ra ở Hokkaido nhưng sống ở quận Yamaguchi cho tới khi tốt nghiệp cấp ba. Ông quay lại Hokkaido khi nhập học ở Trường Nông Nghiệp thuộc Đại Học Hokkaido. Theo đuổi chuyên ngành kỹ sư nông nghiệp, ông chọn nhiên liệu sinh khối làm đề tài trong các nghiên cứu học vị tiến sĩ của mình. Năm 1992, khi đang làm trợ giảng đại học, ông bắt đầu nghiên cứu lĩnh vực rô-bốt nông nghiệp. Đó cũng chính là thời kỳ đầu của ngành nghiên cứu rô-bốt nông nghiệp.

– Giáo sư Noguchi, điều gì thúc đẩy ông bắt đầu nghiên cứu rô-bốt?

Hai mươi lăm năm trước, khi tôi bắt đầu nghiên cứu rô-bốt nông nghiệp, các lĩnh vực trọng tâm liên quan đến tình trạng thiếu lao động và nhân lực trong ngành nông nghiệp đã trở nên rõ ràng. Tại Đại Học Hokkaido, những thử thách mà ngành nông nghiệp trực tiếp đối mặt cũng hiển hiện ngay trước mắt chúng tôi. Việc cố gắng giải quyết các vấn đề này khiến tôi nảy ra ý nghĩ: "có khi nào các rô-bốt nông nghiệp tự động sẽ có hiệu quả không nhỉ?"

Ban đầu thì chẳng có mấy công trình nghiên cứu được thực hiện. Học Viện Nghiên Cứu Công Nghệ Cơ Bản Seiken (nay là: Học Viện Nghiên Cứu Công Nghệ Định Hướng Sinh Học Naro, sau đây gọi là "NARO") là tổ chức duy nhất tiến hành nghiên cứu xe tự hành cho nông nghiệp. Tôi trở thành người liên kết ở đó với tư cách là nhà nghiên cứu trao đổi tham gia vào dự án nghiên cứu và phát triển.

– Thế là công cuộc nghiên cứu bắt đầu từ 25 năm trước. Bối cảnh ở thời điểm đó như thế nào, thưa ông?

Khoảng năm 1992, một số sinh viên cao học và bản thân tôi đã chế tạo cỗ máy tự hành đầu tiên, gọi là Nguyên Mẫu số 1, bằng phế liệu, từ lốp hơi, lá kim loại tới động cơ. Mặc dù sản phẩm khó vận hành, nhưng nhờ có nhiều dữ liệu thu thập được từ Nguyên Mẫu số 1 mà tôi đã viết được một luận văn. Rô-bốt nông nghiệp hoàn chỉnh đầu tiên ra đời năm 1995. Đó là sau khi tôi mua mẫu số 2 dạng máy kéo./p>

Hồi năm 1987 – 1988, Đại Học Kyoto là trung tâm hoạt động khi trường này bắt đầu phát triển rô-bốt thu hoạch. Vào thời điểm đó, rô-bốt nông nghiệp là xu thế chủ đạo giúp thu hoạch cà chua và dâu tây, v.v. Tuy nhiên, nền nông nghiệp ở Hokkaido chủ yếu dựa vào canh tác ngoài trời quy mô lớn. Do đó, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu các sản phẩm tự động.

Máy nghiên cứu số 1 tại Đại Học Hokkaido. Máy này cho cảm giác được làm bằng tay.

– Từ thời điểm bắt đầu nghiên cứu, ông có tin tưởng rằng một ngày nào đó công nghệ này sẽ trở nên cần thiết không?

Vâng, tôi chắc chắn về điều đó. Phần khó phát triển nhất là chức năng đo đạc và nhận biết vị trí của cỗ máy tự hành. Lúc ấy, GPS hoạt động chưa chính xác và cũng rất tốn kém. Do đó, chúng tôi phải phát triển hệ thống đo đạc vị trí của riêng mình. Tuy nhiên, đến năm 1997, khi tôi tham gia thử nghiệm ở Đại Học Illinois Hoa Kỳ, tôi thấy việc lái xe tự động trong môi trường tự nhiên bằng GPS được thực hiện với độ chính xác cao và tôi nghĩ: "Tốt quá rồi". Dĩ nhiên, việc phát triển các công nghệ chủ chốt cần thiết cho dẫn hướng tự động, như GPS và GIS (Hệ Thống Thông Tin Toàn Cầu), v.v., là tuyệt đối cần thiết. Thực tế cho thấy nghiên cứu của chúng tôi phụ thuộc vào các tiến bộ trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

– Khi số người làm nông giảm đi, diện tích do mỗi nông dân quản lý tăng lên. Vai trò của cỗ máy tự hành cũng theo đó mà tăng lên.

Chính xác. Quy mô cấy hiện tại của người trồng lúa là khoảng 12 hecta/người và 20 hecta với gia đình có 2 người. Tuy nhiên, con số này sẽ tăng lên khoảng 30 – 40 hecta mỗi gia đình. Khi quá trình chuyển đổi sang canh tác quy mô lớn có tiến triển nhờ yếu tố khách hàng chuyên nghiệp và hiệu quả kinh tế, rô-bốt nông nghiệp sẽ trở nên cần thiết để tăng hiệu quả và lợi nhuận của công việc.

– Máy kéo tự động cũng đang được thử nghiệm xác minh và cuối cùng đã tới giai đoạn thương mại hóa.

Máy kéo tự động này được chúng tôi nghiên cứu và phát triển cùng với Yanmar, đó là hệ thống dẫn hướng tự động, có thể điều khiển bằng máy tính, sử dụng một máy kéo được trang bị bộ nhận GPS. Khi máy chạy theo một lộ trình được lập trình sẵn trên máy tính bảng, v.v, tất cả các công việc từ xới đất, gieo hạt đến thu hoạch đều có thể được thực hiện tự động.

Có một số trở ngại cần xem xét để chuyển đổi sang hoàn toàn tự động. Trước tiên, nhằm đưa máy này vào sử dụng thực tế, chúng tôi đã phát triển được một hệ thống dạng máy tự hành và kèm theo người điều khiển. Tóm lại, nếu có gì bất trắc, thì sẽ có người kiểm soát, nên đúng là có thể sử dụng máy trong thực tế. Tuy nhiên, ngay cả ở thời điểm này, bạn chỉ có thể mở rộng khu vực làm việc và tăng năng suất vừa đủ với hai thiết bị chia sẻ công việc.

– Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi của thị trường. Tại thời điểm này, có bất kỳ khía cạnh trọng tâm nào không?

Giá cả và độ an toàn. Về mặt chi phí, giá thành GPS đã giảm nhiều so với mức 20 triệu Yên Nhật của 20 năm trước. Đến năm 2020, dự kiến mức giá sẽ xuống còn khoảng 100.000 Yên Nhật. Khi công nghệ phát triển, ngày càng có nhiều người có được dịch vụ này dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, an toàn không phải là vấn đề có thể giải quyết đơn giản bằng công nghệ. Đồ vật do con người tạo ra kiểu gì cũng có rủi ro. Công việc tự động trên đất nông nghiệp mà người ta có thể thoải mái ra vào sẽ không bao giờ an toàn 100%, bất kể mức độ an toàn có được cải thiện bao nhiêu đi nữa. Chẳng hạn, máy sẽ khó xác định được một đứa trẻ chơi trong bóng cây cao thông qua xử lý hình ảnh. Nếu ta cố gắng chỉ giải quyết vấn đề bằng công nghệ thì chi phí sẽ rất lớn. Trong "Hướng Dẫn An Toàn dành cho Máy Nông Nghiệp Tự Hành" do Bộ Nông Nghiệp, Lâm Nghiệp và Ngư Nghiệp soạn thảo có quy định rằng phải bố trí người ở những nơi có thể theo dõi bằng mắt. Loại máy có kèm theo người điều khiển là một giải pháp.

Tình trạng dân số già và thiếu nhân công làm hạn chế các phương pháp
Các rô-bốt nông nghiệp giúp cải thiện năng suất và kế tục các kỹ năng truyền thống

Theo dữ liệu của Bộ Nông Nghiệp, Lâm Nghiệp và Ngư Nghiệp, lão hóa đã trở thành vấn đề nghiêm trọng. Độ tuổi trung bình của 65% người làm nông ở Nhật Bản là 66,8 tuổi. Bộ này đã đặt ra các mục tiêu thương mại hóa bằng cách đưa các thiết bị nông nghiệp có khả năng tự hành ra đồng vào năm 2018 và triển khai các hệ thống giám sát tự động từ xa vào năm 2020. Phát triển công nghệ kết hợp ngành – chính phủ – học viện đang được tiến hành.

– Về tương lai của rô-bốt nông nghiệp, ông đang thấy viễn cảnh như thế nào?

Chính phủ cũng đã đặt ra các mục tiêu có được hệ thống giám sát tự động từ xa vào năm 2020. Tuy nhiên, các hướng dẫn trước quy định rằng "rô-bốt nông nghiệp sẽ không chạy trên đường." Do đó, chúng sẽ làm việc rất không hiệu quả nếu các thửa ruộng cách nhau. Tôi cho rằng sẽ phải xem xét lại luật giao thông.

– Thật vậy, dường như cách chúng ta làm việc và cách xã hội hoạt động sẽ phải thay đổi. Ông có suy nghĩ gì về giá trị của rô-bốt nông nghiệp ngoài việc thay thế nhân công?

Vai trò cơ bản của chúng sẽ là thay thế lực lượng lao động để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt lao động. Tuy nhiên, tôi cũng mong đợi chúng sẽ thực hiện vai trò thứ hai cho quá trình áp dụng công nghệ thông tin ở địa điểm sản xuất. Lấy ví dụ như số hóa các địa điểm sản xuất cây trồng. Tới hôm nay, mặc dù nông dân vẫn tạo các báo cáo viết tay và phải làm công việc hành chính, nhưng những nhiệm vụ này sẽ được số hóa hoàn toàn. Tình huống thế nào sẽ dựa vào trực quan và trải nghiệm của mọi người.

Do đó, việc mất đi những lão nông am hiểu, có kỹ năng là vấn đề nghiêm trọng hơn tình trạng thiếu lao động. Nếu sự hiểu biết này không được truyền lại mà mai một đi, thì hiệu quả và năng suất trên mỗi đơn vị diện tích sẽ giảm khi những người này qua đời. Chúng ta có thể kết thúc bằng một chu kỳ âm không hiệu quả.
Mười năm nữa, những người 65 tuổi sẽ 75 tuổi. Chúng tôi tin rằng nhiệm vụ thu thập, quản lý và chuyển đổi "tri thức không diễn đạt được bằng lời" của mỗi nông dân thành "kiến thức rõ ràng" là việc cần thiết.

– Loại rô-bốt nào đặc biệt hữu ích cho việc áp dụng công nghệ thông tin ở địa điểm sản xuất?

Ví dụ như sử dụng máy bay không người lái. Sử dụng máy bay không người lái hoặc máy bay trực thăng, chúng tôi sẽ có thể xác định các khu vực kém phát triển, biến động về năng suất, v.v... bằng cách cảm nhận và chụp ảnh cánh đồng từ trên không. Điều này cho phép chúng tôi kiểm soát chính xác đất trồng dựa vào dữ liệu này. Đây cũng là khía cạnh công việc đang được Yanmar thực hiện.

Dù ta có nhìn từ góc độ nào thì tính tương thích giữa rô-bốt và dữ liệu lớn cũng là rất cao. Dữ liệu về đất trồng và công việc có được bằng các loại nhiệm vụ này tất nhiên sẽ do nông dân sử dụng. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng giai đoạn tiếp theo của rô-bốt tự hành sẽ là "rô-bốt hiểu biết về trồng trọt." Rô-bốt sẽ tự phát triển bằng cách xử lý dữ liệu và điều này sẽ được phản ánh trong công việc.

– Cụ thể hơn, ấn tượng của chúng tôi là rô-bốt nông nghiệp sẽ phát triển với AI.

Thật vậy sao? Hơn nữa, có khả năng số nông dân trẻ, mới, những người quan tâm đến việc áp dụng các công nghệ mới này, sẽ tăng lên. Tôi cảm nhận được điều này mỗi ngày với những sinh viên của mình.

Khoảng 20 năm trước, nông dân sẽ nói với tôi rằng: "Công việc tăng thêm giá trị của chúng tôi sẽ biến mất nếu cỗ máy tự hành được đưa vào sử dụng thực tế." Tuy nhiên, khi cho phép rô-bốt làm những việc chúng có thể làm, con người mới có thể làm những việc chỉ con người làm được. Tôi tin rô-bốt cũng sẽ hữu ích ở khía cạnh nông dân có thể dành thời gian làm công việc tăng thêm giá trị sáng tạo như "trồng gì và bán ở đâu" và "thứ cần xử lý".

Rô-bốt nông nghiệp sẽ phát triển trên toàn thế giới
Giới thiệu công nghệ mà chúng tôi mong muốn được thấy trong tương lai

– Các khía cạnh trọng tâm trong nông nghiệp sẽ thay đổi theo quốc gia. Ông có thể cho chúng tôi xem rô-bốt mới nhất được sử dụng thực tế hoặc đang được nghiên cứu, kể cả công nghệ nước ngoài, theo quan điểm của Giáo Sư Noguchi không?

Nghiên cứu đang được tiến hành, chủ yếu tại những nơi trồng trọt quy mô lớn ở Hoa Kỳ và các quốc gia châu Âu, và còn ở Trung Quốc, Hàn Quốc cũng như các quốc gia châu Á. Về vấn đề thiếu lao động, tình hình ở phương Tây không nghiêm trọng như ở Nhật Bản. Tuy nhiên, ở mọi quốc gia, lực lượng lao động nông nghiệp đang giảm.

Mối lo ngại chính là thiếu thực phẩm. Tổ Chức Lương Thực và Nông Nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính đến năm 2050, dân số toàn cầu sẽ đạt 9,6 tỷ người. Để nuôi được lượng người này, chúng ta phải tăng gấp đôi sản lượng lương thực. Với tốc độ hiện tại, chúng ta chắc chắn sẽ thiếu lương thực.

Một khía cạnh trọng tâm nữa là sự gia tăng tình trạng thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu, ví dụ như mưa lớn dữ dội thậm chí ở những khu vực có lượng mưa thấp. Lượng mưa thấp là tiền đề của mô hình nông nghiệp truyền thống của châu Âu. Do đó, khi trời mưa, những chiếc máy kéo lớn sẽ bị kẹt và không sử dụng được. Theo đó, có những trường hợp không thể hoàn thành công việc theo mùa và sản lượng thu hoạch sẽ giảm. Mặt khác, không thể thuê thêm người làm công việc này với máy kéo nhỏ. Vậy nên, những máy kéo tự hành có thể được quan tâm nhiều hơn.

– Tiết kiệm lao động và sắp xếp hợp lý dường như là khía cạnh trọng tâm chung của toàn thế giới. Do vậy, hãy xem rô-bốt nông nghiệp thu hút sự chú ý của Giáo Sư Noguchi như thế nào.

Rô-bốt phối hợp

Hiện tại, các rô-bốt phối hợp, như "đa rô-bốt" mà chúng tôi đang phát triển trong phòng thí nghiệm, có thể phối hợp cùng nhau với số lượng thiết bị bất kỳ. Thay vì mở rộng từng chiếc cỗ máy tự hành, việc phối hợp nhiều phương tiện tự động là một ý tưởng mới. Các thiết bị đều có thể chạy cùng nhau với số lượng bất kỳ. Công nghệ này tiến bộ hơn một chút so với loại có người điều khiển đã được đưa vào thị trường.

Lưu ý: Báo cáo bao gồm một phần biểu diễn rô-bốt phối hợp tại Đại Học Hokkaido. Tiếp tục Phần 2!

Rô-bốt thu hoạch dâu tây tự hành

Rô-bốt thu hoạch dâu tây do Đại Học Utsunomiya và NARO phát triển là một công nghệ có thể thu hoạch mà không cần chạm vào quả, dựa vào xác định màu tương đối và xác nhận chính xác độ chín của dâu tây và góc ngả của thân cây. Dâu tây bị hỏng khi con người chạm tay vào. Do đó, công nghệ này cũng có lợi thế giúp giảm giá thành sản phẩm nhờ không chạm vào quả. Về mặt tiết kiệm lao động và tăng năng suất, việc chạy rô-bốt vào ban đêm cho phép nhân viên kiểm tra quả chưa thu hoạch vào sáng hôm sau.

Bộ Đồ Hỗ Trợ Năng Lượng

Trong nông nghiệp, công việc được thực hiện trên nền đất không ổn định chứ không phải trên bề mặt cứng. Do đó, việc sử dụng rô-bốt hình người cực kỳ khó khăn. Mặc dù rô-bốt hình người không làm được nhưng bộ đồ hỗ trợ năng lượng gần đây đã trở nên phổ biến. Được trang bị bằng động cơ điện, những bộ đồ giúp các công việc như nâng đồ trở nên dễ dàng và có hình dạng độc đáo. Ngoài việc vận chuyển quả và cây trồng nặng, nhiều dự đoán chúng sẽ được áp dụng trong lĩnh vực điều dưỡng. Quá trình thương mại hóa đã bắt đầu.

Máy nhổ cỏ loại sàng tự động

Từ một bài giảng của Giáo Sư Simon Blackmore của Đại Học Harper Adams, Vương Quốc Anh. Rô-bốt tự hành sẽ nhổ cỏ trong khi tránh cây trồng. Mặc dù nhổ cỏ giữa các luống tương đối đơn giản nhưng nhổ cỏ mọc xen giữa các cây trồng lại rất khó khăn. Máy có thể được lập trình sử dụng camera để xác định cỏ. Rô-bốt nhổ cỏ sử dụng laser cũng đang được nghiên cứu và phát triển. Cỏ sẽ bị đốt cháy vào thời điểm sinh trưởng. Cuối cùng, thuốc trừ sâu có thể không còn cần thiết.

Buổi phỏng vấn này do Giáo Sư Shin Noguchi, một nhà nghiên cứu hàng đầu về rô-bốt nông nghiệp. cung cấp cho bạn. Từ việc tham gia của Giáo Sư Noguchi nghiên cứu này, chúng ta có thể khẳng định lại sự cần thiết tại chỗ và giá trị mà nghiên cứu này mang lại cho nông nghiệp và xã hội.

Câu chuyện này sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Lần tới, chúng tôi sẽ báo cáo từ địa điểm nơi Giáo Sư Noguchi đang tiến hành các kiểm tra xác minh. Ngoài ra, chúng tôi cũng trao đổi về tương lai của nền nông nghiệp sẽ được thực hiện bằng rô-bốt nông nghiệp.

Bài viết có liên quan

Chúng ta có thể phát triển đến đâu? Một báo cáo từ Hokkaido về tương lai của nghiên cứu rô-bốt nông nghiệp.